Bạn Phù Hợp Với Phương Pháp Học Tiếng Anh Nào?

Bạn có từng nghe qua phương pháp học tiếng Anh phản xạ Callan, hay phương pháp học của tiến sĩ Pimsleur?

Bạn từng ngạc nhiên với Crazy English của thầy Lý Dương với mỗi buổi học hàng ngàn học viên?

Bạn từng rất hào hứng với phương pháp Effortless English có thể giúp bạn nói năng lưu loát trong vòng 6 tháng? Hay phương pháp học tiếng anh bằng Thiền của giáo sư Nguyễn Lương Bằng?

Thế còn phương pháp học tiếng anh kết hợp Lập trình ngôn ngữ tư duy NLP và… vô vàn phương pháp khác nữa?

Bắt đầu thấy rối và choáng ngợp rồi chứ?

 

chọn cách học tiếng anh nào phù hợp

 

Chúng ta ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong đời sống xã hội hiện đại và khao khát nắm bắt được nó. Chúng ta luôn tìm tòi phương pháp tốt nhất để học tiếng Anh nhanh nhất, hiệu quả nhất và tốn hàng núi tiền rồi…đa phần thất vọng.

 

Phương pháp nào phù hợp với mình?

Chúng ta thường thất vọng bởi vì mỗi cá nhân có một tính cách riêng, cần phải có cách học riêng. Cho nên câu trả lời có thể là sự kết hợp của vài phương pháp nêu trên và cần sự điều chỉnh lại các phương pháp đó cho thật sự phù hợp.

Các trung tâm ngoại ngữ thường không mang lại hiệu quả học tập như mong muốn vì chỉ tập trung vào một phương pháp. Chỉ một số học viên có tính cách phù hợp với phương pháp đó sẽ đạt kết quả tốt, còn đa số thì không.

 

Vậy tại sao chúng ta không trải nghiệm các phương pháp khác nhau để tìm ra cách tự học tốt nhất cho mình?

Đừng nghĩ rằng bạn sẽ tốn quá nhiều thời gian để trải nghiệm.

Lời khuyên từ kinh nghiệm của tôi là: Hãy bỏ ra một tháng tìm tòi, thử sai, rồi sau đó tăng tốc.

Một tháng này sẽ có rất nhiều ý nghĩa với bạn, nếu bạn làm đúng và thực sự nghiêm túc.

Từ một học viên khá là dở tiếng Anh, tôi có thể làm tourguide cho 4 anh bạn người Phần Lan sau 2 tháng, đạt được TOEIC 770 điểm sau 2 tuần ôn tập và đang làm việc cho một công ty nước ngoài. Bạn cũng sẽ làm được và có thể tốt hơn tôi nhiều. Xin chia sẻ cách làm của tôi.

 

Tôi đã bắt đầu chinh phục tiếng Anh như thế nào?

Lý do tôi toàn tâm toàn ý học tiếng Anh thì không hay lắm. Năm 3 đại học, vì không thích ngành đang học, tôi quyết định nghỉ và tìm học bổng du học mà không xin tiền gia đình. Tôi đặt mục tiêu nhận được học bổng trước khi các bạn của tôi tốt nghiệp. Cuối cùng…tôi làm không được. Sau hai tháng nghỉ học tôi quay lại trường, học điên cuồng. May mắn đi cùng cố gắng, tôi tốt nghiệp loại khá đồng thời với các bạn tôi.

Trong hai tháng nghỉ học đó tôi học tiếng Anh. Tôi cam kết với bản thân phải tiến bộ tiếng Anh với quyết tâm mạnh mẽ. Tôi đã chông chênh không biết mình nên học từ đâu, cảm thấy mỗi thứ mình đều biết một ít nhưng sâu thêm một ít lại mù tịt.

 

Khi đó tôi nghĩ: bắt đầu học kiến thức hay bắt đầu học phương pháp học.

Tôi chọn học cách học.

Tôi tìm hiểu phương pháp học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, đọc blog về phương pháp học của những polyglot (người có thể nói được nhiều ngoại ngữ).

Mỗi ngày tôi tra Google: How to learn a language? How to master English? How to improve pronunciation? How to learn vocabulary? …Với mỗi kỹ năng, hãy tra và đọc các bài viết về các phương pháp được đề cập để thực hành trải nghiệm.

Có các bài viết bằng tiếng Anh, bạn cứ cố gắng đọc, mọi việc bắt đầu đều khó, sau một thời gian bạn sẽ thấy dễ dàng. (Bạn đang thực hành phương pháp đọc đồng chủ đề. Chủ đề của bạn là “phương pháp học ngoại ngữ”, phương pháp này sẽ được nêu rõ trong bài viết khác).

 

Đó là quá trình thử sai, có phương pháp đem lại sự hứng thú, còn lại không. Hãy hỏi, đọc, thử, điều chỉnh, phối hợp và rút kinh nghiệm cá nhân trong quá trình nà.

Bật mí: khi thực hành bạn cảm thấy hào hứng, thích thú với phương pháp nào, hãy đưa nó vào danh sách các cách học  phù hợp với bạn. Hãy chọn ra 2 cách bạn thích học nhất cho từng kỹ năng.

Sau một tháng kiên trì học thử và trải nghiệm, bạn sẽ hiểu bản thân mình phù hợp với cách học nào và có sự kết hợp, điều chỉnh để càng hiệu quả với bạn hơn nữa. Lúc này bạn có thể thưởng cho mình vì bạn đã “một tên trúng hai mục tiêu”: học được cách học tiếng Anh và có lượng từ vựng, kiến thức tốt về chủ đề: Phương pháp học ngoại ngữ.

Bạn đã tìm ra được cách ném phù hợp, hãy tập ném đến khi thành thục.

 

Những đúc kết của cá nhân tôi sau 1 tháng:
    1. Động lực: Hãy tự tạo động lực đủ lớn để bạn có thể duy trì, nghĩ về kết quả mình sẽ đạt được cho sự cố gắng của bạn. Động lực của tôi là được học bổng nhưng tôi ko làm được do các yếu tố khác nhưng tôi đã đạt được những kết quả nêu ở trên, cũng không tệ.
    2. Input: Yêu cầu quan trọng đầu tiên khi học ngoại ngữ là tập trung thu nạp vốn ngôn ngữ. Hãy nghe và đọc càng nhiều càng tốt để bộ não quen dần với ngoại ngữ như một đứa trẻ (“Focus on the Input first” – Steve Kaufman: người nói được 12 ngoại ngữ).
    3. Vocabulary: dùng từ điển Kool Dict, theo phương pháp Free Reading của Phạm Quốc Hưng (Sách: 5 steps to speak a language). Bạn cũng có thể dùng Flashcard hoặc chương trình học từ vựng trực tuyến LeeRit.
    4. Pronunciation: Phát âm chuẩn từng âm, bắt chước khẩu hình theo chương trình Pronunciation Workshop của Paul Gruber, Master Spoken English. Đọc thêm: Cách phát âm tiếng Anh chuẩn.
    5. Listening: Nghe thụ động, nghe lặp đi lặp lại nhiều lần và phản xạ đơn giản theo Effortless English của A.J. Hoge, tôi mở audio nghe ngay cả khi đang ngủ.
    6. Reading: Đọc chủ đề bạn thích để duy trì cảm hứng, đọc đồng chủ đề. Đọc các mẹo học ngoại ngữ qua trang  www.fluentin3months.com của Benny Lewis và www.tuhoctienganhhieuqua.com
    7. Speaking: Học thuộc đoạn văn hoặc đoạn đối thoại, có thể đứng trước gương đọc to, rõ, hùng hồn, diễn đạt với chuyển động cơ thể và cảm xúc (theo Crazy English và NLP – lập trình ngôn ngữ tư duy).

Và các kỹ năng khác nữa miễn bạn cảm thấy hứng thú.

Sau một tháng tìm ra được các vũ khí sở trường, bạn hãy bắt đầu chiến dịch học ngoại ngữ của mình. Chúc các bạn thành công trong thời gian ngắn nhất.

Thành công = tài năng vừa phải + kiên trì

Source: http://tuhoctienganhhieuqua.com/phu-hop-phuong-phap-nao/

Bài này mình đã bán bản quyền cho trang tuhoctienganhhieuqua.com

Chúc tiến bộ.

 

Thành tựu không đến từ sự thờ ơ, mộng ảo và ý chí cùn mà đến từ bàn tay, khối óc luôn miệt mài tranh đấu với thời gian.

One thought on “Bạn Phù Hợp Với Phương Pháp Học Tiếng Anh Nào?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *