Tập suy nghĩ bằng tiếng Anh

Nếu bạn muốn suy nghĩ bằng tiếng Anh, bạn cần phải biến nó thành một phần trong cuộc sống thường ngày của mình. Đó là tất cả những gì bạn cần. Dùng tiếng Anh nhiều và đều đặn, việc nghĩ bằng tiếng Anh sẽ xảy ra hết sức tự nhiên.

 

Tôi biết điều đó vì tôi đã sử dụng tiếng Anh một thời gian dài. Khi tôi nghĩ về một từ nào đó, thường thì tôi nghĩ về nó bằng tiếng Anh thay vì tiếng Việt. Tôi không cố tình nghĩ như vậy, nó xảy ra tự động, vì tôi tự tạo ra môi trường tiếp xúc và sử dụng tiếng Anh, mỗi ngày.

 

  • Tôi nghe podcast hay sách nói suốt, khi di chuyển hay khi làm việc gì đó lặp lại mà không cần suy nghĩ nhiều như dọn dẹp, nấu ăn, làm vườn…
  • Tôi hay đọc sách, báo, blog bằng tiếng Anh, về những gì tôi thích
  • Tôi viết ghi chú bằng tiếng Anh, lâu lâu viết bài post dài bằng tiếng Anh
  • Tôi nói chuyện với bản thân bằng tiếng Anh. Khi nói chuyện với bản thân bạn sẽ chủ động về chủ đề và luyện tập trí óc. Nói thầm thôi, không người ta lo lắng cho bạn (just kidding). 

 

Nếu bạn dùng tiếng Anh suốt và mỗi ngày đều đặn, bạn cũng sẽ có khả năng suy nghĩ bằng tiếng Anh.

Cách làm thế nào?

Đơn giản lắm. Cứ xài tiếng Anh bất cứ lúc nào có thể.

Vài ví dụ:

  • Bạn muốn học gì đó, tìm sách hay tài liệu tiếng Anh về chủ đề đó để đọc. Dùng công cụ hỗ trợ như Kool Dictionary
  • Nếu có sở thích nào đó, tìm xem các website/blog về chủ đề đó được viết bằng tiếng Anh
  • Đổi ngôn ngữ trên tất cả các thiết bị điện tử sang tiếng Anh
  • Xem phim Âu Mỹ dùng phụ đề tiếng Anh hoặc ít nhất là phụ đề tiếng Việt để nghe giọng nói nguyên bản, đừng xem phim lồng tiếng hay thuyết minh
  • Muốn đi siêu thị mua những món đồ gì đó, liệt kê chúng bằng tiếng Anh
  • Đang chạy xe gặp kẹt xe thì nghĩ “traffic jam” thay vì “kẹt xe”, mắc mưa thì nói “it rains” thay cho “trời mưa…
  • Khi bí từ thì dùng những từ khác đã biết miêu tả hay diễn tả lại, tìm từ chuẩn xác sau

 

Bạn hiểu ý chưa? Dùng tiếng Anh bất cứ khi nào dùng được. Viết một câu không tròn thì biết từ nào viết từ đó, xen lẫn Anh-Việt cũng được. Lúc đầu thì sẽ hơi khó chịu, làm riết thì thành thói quen và suy nghĩ bằng tiếng Anh trở nên dễ dàng.

 

Hai bước thực hiện:

1. NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỂ CÓ THỂ DÙNG TIẾNG ANH

 

Nên dành thời gian cải thiện tiếng Anh các kỹ năng một ít mỗi ngày. Việc này dễ lắm. Tìm một mẩu bài nghe nào đó ngắn, ví dụ như tin nào đó ở trang News In Levels ở bài Good English Podcast, học từ mới, tập phát âm, nghe và đọc theo. Nghe tốt thì nói tốt, đọc nhiều thì viết khá. Tiếng Anh khá lên thì bạn dùng được nhiều hơn, dùng nhiều hơn thì tự nhiên nghĩ được. Nghĩ được thì hào hứng, hào hứng lại học thêm, vòng tiến bộ tiếp diễn.

 

Luyện nghe:  Nếu Bạn Sợ Nghe Tiếng Anh, Hãy Luyện Phát Âm

Luyện nói:     Chuẩn hóa phát âm trong 2 tháng

Luyện đọc:     Tại Sao Bạn Nên Luyện Đọc Sách Tiếng Anh Ngay Hôm Nay?

Luyện viết:    Sách hỗ trợ kỹ năng writing

 

2. ĐỪNG DỊCH – DỊCH LÀ LÝ DO BẠN KHÔNG NGHĨ ĐƯỢC BẰNG TIẾNG ANH

 

Dịch là bước đệm không nên có vì nó làm chậm quá trình giao tiếp. Thói quen này hầu như ai cũng mắc phải, luyện tập sẽ giúp loại bỏ từ từ, phần lớn vấn đề này do cách chúng ta học không được đúng từ đầu. Hãy học như một đứa con nít là cách hay nhất và theo thứ tự nghe-nói-đọc-viết, bản thân cụm này thể hiện trình tự rồi.

 

Ví dụ nha, khi bạn nghe từ quả nho. Lúc đó trong đầu bạn sẽ hiện lên hình ảnh quả nho, đó là hiểu trực tiếp. Âm thanh của từ quả nho không hiện thành chữ viết quả nho trong đầu bạn. Khi bạn không dịch, bạn đi thẳng đến đích. Thêm nữa, con nít học tiếng Việt nó đâu có cần biết chữ, nó nghe cả năm, rồi nó bắt chước nói, đến lúc nó lớn nó mới học đọc và viết. Có đứa nào bị chê là dở tiếng Việt đâu. Nó học tiếng Việt 5 năm, nói vi vu. Chúng ta học tiếng Anh 10 năm, nói bi bo.

Vấn đề này chúng ta bàn sau.

 

Làm sao bỏ thói quen dịch?

Dùng từ điển Anh-Anh: khi khá tiếng Anh một chút (khoảng trình độ A2 hay hết cấp Elementary), hãy dùng từ điển thuần Anh. Có vài khó khăn sẽ gặp phải như sau: khi tìm nghĩa từ A, trong phần giảng nghĩa có từ khác không hiểu là B, muốn hiểu A thì phải hiểu B, thế là tìm hiểu B, lỡ tìm B lại gặp C thì bạn phải tra cứu dây chuyền. Nếu vậy thì từ điển đang xài cũng không tốt lắm, tìm cuốn khác giải thích bằng từ ngữ đơn giản hơn. Mình dùng từ điển Oxford Dictionary online khá ổn.

Điểm lợi khác khi dùng từ điển Anh-Anh là bạn đồng thời luyện kỹ năng đọc qua quá trình tra cứu.

 

 

Ép bản thân viết bằng tiếng Anh mà không dịch: nhiều bạn viết gì đó bằng tiếng Anh thì viết nháp sẵn tiếng Việt trước, rồi dịch ra, nhất là khi viết luận, viết email dài. Nếu đang làm vậy, hãy dừng lại, bắt bản thân viết bằng tiếng Anh từ lúc đầu.

 

Tóm lại:

  • Làm bất cứ việc gì có thể dùng tiếng Anh
  • Dành thời gian mỗi ngày nâng cao năng lực ngoại ngữ (tập trung vào nghe và nói)
  • Không dịch giữa tiếng Anh và tiếng Việt nữa

Sẽ có lúc bạn bất chợt nhận ra mình đang nghĩ bằng tiếng Anh.

Chúc mừng!

 

 

Thành tựu không đến từ sự thờ ơ, mộng ảo và ý chí cùn mà đến từ bàn tay, khối óc luôn miệt mài tranh đấu với thời gian.