10 Lỗi Phổ Biến Cần Tránh Khi Học Ngoại Ngữ

Học một ngoại ngữ không hề đơn giản, nhưng sẽ dễ dần, bởi vì bạn học từ những lỗi sai và hiểu rõ hơn về bản thân trong quá trình học.

Bạn có thể rút ngắn đáng kể thời gian của mình thông qua việc học tập từ lỗi của người đi trước.

Bài viết này nêu ra 10 sai phạm phổ biến nhất mà người học ngoại ngữ hay mắc phải. Bạn hãy chuẩn bị để viết lại một số ghi chú, bởi vì khi bạn tránh được phần lớn những lỗi được liệt kê bên dưới, bạn sẽ tiến bộ một cách nhanh chóng.

 

1. Tiếp cận việc học như một bài tập bắt buộc

Phần lớn người học xem việc học ngoại ngữ của mình như một số dạng bài tập bắt buộc, thay vì xem việc học như một quá trình tiến bộ thú vị, chinh phục được mục tiêu cá nhân và mở ra một thế giới mới vô vàn cơ hội.

Hãy học cách yêu thích ngoại ngữ mà bạn đang học bằng việc không luôn luôn cặm cụi với giáo trình, ngữ pháp…( đề cập trong bài Bí quyết tạo động lực đúng để yêu thích và giỏi tiếng Anh).

Nhớ là những gì bạn thật sự thích làm với tiếng mẹ đẻ của mình, bạn cũng sẽ thích với ngôn ngữ mà bạn muốn học. Dù đó là việc đọc sách hay blog, xem phim, chơi game, gặp gỡ bạn bè, nghe nhạc… Cách tiếp cận này còn giúp bạn khám phá nhiều điều về văn hóa của đất nước sử dụng ngôn ngữ mà bạn đang học, chúng thường rất thú vị và giá trị.

 

2. Chỉ sử dụng một phương pháp học

Người học ngoại ngữ thường không thành công trong việc đa dạng hóa phương pháp học, họ mắc kẹt với những giáo trình khô khan hàng tháng ròng. Không có gì ngạc nhiên khi họ từ bỏ trong sự buồn chán.

Hãy chắc chắn rằng bạn có thể đa dạng hóa phương pháp học và phát triển thói quen học ngoại ngữ từ nhiều khía cạnh khác nhau. Hãy thử ít nhất 2 phương pháp mà bạn cảm thấy phù hợp nhất với bạn (tham khảo thêm trong bài Bạn phù hợp với phương pháp học tiếng Anh nào?).

 

3. Khởi đầu quá hào hứng

Việc quá hào hứng khi mới bắt đầu trong một khoản thời gian ngắn có thể làm tiêu hao nhiều năng lượng của bạn về sau.

Chúng ta đều rất phấn khích khi mới bắt đầu học một ngoại ngữ. Chúng ta muốn sưu tập tất cả tài liệu và học ngoại ngữ cả buổi hoặc cả ngày dài.

Nhưng vấn đề ở chỗ sự hồ hởi này nhanh chóng qua đi, bầu nhiệt huyết của chúng ta nhanh chóng nguội lạnh và bỏ cuộc sau đó.

Bí mật ở đây là: hãy bắt đầu một cách chậm rãi và duy trì động lực đó cho cuộc chạy đường trường.

Đừng cố gắng học quá 30-45 phút khi vừa bắt đầu và hãy tiếp tục đều đặn. Việc này tốt hơn rất nhiều so với học hì hục suốt ngày rồi gián đoạn.

Hãy luôn nghĩ như thể bạn đã đạt được kết quả ước ao mỗi ngày để động viên bản thân.

Dục tốc bất đạt.

 

4. Chờ đợi quá lâu trước khi tập nói

Nói ngoại ngữ là một kỹ năng, giống như lái xe hoặc đánh đàn. Cho dù kiến thức của bạn có phong phú thế nào, kỹ năng giao tiếp của bạn chỉ thực sự được cải thiện khi bạn luyện tập.

Rất nhiều học viên ngây thơ tin rằng qua năm tháng nghiền ngẫm giáo trình và nghe giảng, một ngày nào đó mình có thể giao tiếp ro ro. Số khác thì nán lại chờ đến lúc mình đã luyện tập thật chuẩn, không mắc lỗi nữa mới nói, để không bao giờ quê.

ĐỪNG LÀM VẬY

Bạn cần phải vượt lên sự ngại ngùng và tập nói với ai đó càng sớm càng tốt. Không tác hại xấu gì xấu từ việc này. Bạn nên tập nói bắt đầu từ những bài hội thoại đơn giản sau vài tuần học ngôn ngữ mới.

Việc luyện nói sẽ giúp bạn ghi nhớ từ vựng, chuẩn hóa phát âm và vượt qua sự ngượng ngịu. Bạn sẽ có thêm nhiều bạn mới nữa.

 

5. Nghe không đủ nhiều

Nghe ngoại ngữ bạn đang học là việc cực kì quan trọng.

Tuy nhiên rất rất nhiều học viên không cố gắng nghe, ngoại trừ một số ít chỉ nghe file audio đi kèm giáo trình.

Vấn đề ở đây là hầu hết các file nghe giáo trình được biên soạn cứng nhắc, âm điệu không sinh động và rất khác với giọng điệu, cách dùng trong thực tế đời sống.

Chúng ta học qua bắt chước và cách duy nhất để học ngôn ngữ là lắng nghe họ nói ngôn ngữ đó.

Mặc dù lúc mới học bạn không hiểu, không hiểu hết những gì bạn nghe, đừng do dự, hãy tiếp xúc với chúng càng nhiều càng tốt (nhạc, phim, radio, báo đài…). Bên cạnh kỹ năng nghe, cách phát âm và giọng điệu của bạn cũng sẽ cải thiện bởi vì bạn đã bắt đầu đặt nền móng cho việc nói ngoại ngữ một cách trôi chảy.

 

6. Suy nghĩ cứng nhắc

Ngôn ngữ không cố định. Mỗi ngày bạn sẽ gặp nhiều từ ngữ bạn không biết nghĩa trước đây.

Đa phần học viên mới học thường quan trọng hóa vấn đề này, họ muốn hiểu thông một từ trước khi học qua từ khác. Thật là khổ sở. Thực tế chúng ta không thể biết tất cả các từ. Nghĩ về từ “set” trong tiếng Anh, có khoảng 460 nghĩa. Bạn nắm được tất cả không?

Khả năng đoán từ rất quan trọng trong việc thu nạp ngoại ngữ, hãy tập đoán nghĩa từ. Đừng lo lắng về năng lực, từ từ bạn sẽ học được qua việc lặp lại nhiều lần trong nhiều ngữ cảnh.

Mưa dầm thấm đất. Nhớ là đừng sa lầy vào chi tiết.

 

7. Tiếp cận từ dưới lên

Số đông thường bắt đầu với những thành phần cấu trúc nhỏ nhất, sau đó kết hợp lại, đó gọi là tiếp cận từ dưới lên.

Điều đó nghe có vể đúng, nhưng ngôn ngữ không như vậy. Nếu bạn bắt đầu với việc học tất cả các quy tắc ngữ pháp, cách phát âm từng từ trước khi thực sự tạo thành một câu, bạn thường kết thúc trong sự không hài lòng và thất vọng (nghĩ về việc học ngoại ngữ cấp 2,3 của bạn xem).

Cách tiếp cận từ trên xuống khuyến khích học viên học toàn bộ câu sau đó đi vào chi tiết ngữ pháp một cách hiệu quả, giống như một đứa trẻ tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên. Ngữ pháp quan trọng, không nghi ngờ, nhưng bạn nên tiếp xúc ngôn ngữ theo hướng tổng thể trước. Đây là cách tiếp cận phổ biến của nhiều polyglot (người nói được nhiều thứ tiếng).

 

8. Dịch từng con chữ để hiểu nghĩa

Học viên thường không hiểu rằng ngôn ngữ rất khác so với các môn khác. Thường thì bạn không thể dịch từng từ để hiểu ý nghĩa một cách trực tiếp.

Khi bạn học ngoại ngữ, hãy bắt đầu từ con số không. Hãy quên tất cả các kiểu mẫu diễn đạt mà bạn đã quen thuộc với tiếng mẹ đẻ, đặc biệt khi bạn học ngoại ngữ khác hệ với nhau. (Vd: Trung, Nhật, Hàn.. là một hệ. Anh, Pháp, Ý…là một hệ). Tập làm quen với các kiểu diễn đạt mới, tránh việc dịch từ tiếng Việt ra tiếng Anh. Bạn sẽ cảm ơn tôi vì điều này.

 

9. Không sử dụng âm điệu

Hầu như người học không chú tâm đến phát âm chuẩn xác và bỏ qua phần nhấn, nối âm, nhạc điệu của ngôn ngữ. Kết quả là phát âm không sinh động, giống rô bốt và rất khó hiểu. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên, nhưng nhịp điệu thực sự quan trọng không kém phát âm chuẩn trong việc làm cho người khác dễ dàng nghe được và hiểu bạn.

Một cách tốt để luyện tập là ghi âm lại giọng nói của bạn, đối chiếu và thực hành nhiều.

 

10. Thiếu tự tin

Điều cuối cùng nhưng cực kì quan trọng, mọi người học ngoại ngữ với tư tưởng tiêu cực: Ngoại ngữ rất khó? Nhàm chán lắm? Tôi không học được đâu?…

Những suy nghĩ đó sẽ làm bạn nhụt chí và việc từ bỏ có thể đoán trước. Đừng bối rối về khả năng và sự tự tin. Sự tự tin là niềm tin về năng lực của bạn.

Niềm tin của tôi là mọi người đều học được ngoại ngữ. Bạn đã học rất xuất sắc tiếng Việt đúng không? Bạn chỉ cần bước lên một bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Một ngày nào đó bạn có thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài. Đến khi nào bạn hoàn toàn tự tin về bản thân rằng bạn học được tiếng Anh và có thể dùng nó giao tiếp tự nhiên, các vấn đề còn lại sẽ được giải quyết.

Xin trích dẫn câu nói của Elenor Roosevelt: “Confidence comes not from always being right but from not fearing to be wrong”.

Source: http://tuhoctienganhhieuqua.com/10-loi-khi-hoc-ngoai-ngu/

Bài này mình đã bán bản quyền sử dụng cho trang tuhoctienganhhieuqua.com

Chúc tiến bộ.

 

Thành tựu không đến từ sự thờ ơ, mộng ảo và ý chí cùn mà đến từ bàn tay, khối óc luôn miệt mài tranh đấu với thời gian.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *