Bài này của Trần Hữu Đại Nhật từ trang Phát triển cá nhân.
Mình hay viết và định hướng viết nhiều nên muốn share lại bài này, cho mình và cho các bạn thích viết, hay những bạn muốn viết sáng sủa rỏ ràng hơn.
” Viết là suy nghĩ kết tinh trên trang giấy.
Sau nhiều năm viết chuyên nghiệp, tôi đã ngộ ra bí mật thành công của những người viết tốt. Bí mật đó tách cuộc đời viết lách của tôi làm đôi: trước-và-sau. Nó đơn giản đến khó tin.
Bí mật đó là một nguyên lý “chúa tể của những ngòi bút”. Tôi sẽ chia sẻ để bạn không phải mất nhiều năm vật lộn với câu chữ.
Nguyên lý này được đúc kết bởi một huyền thoại của môn nghệ thuật viết lách. Dù phương tiện truyền thông của bạn là gì – sách, báo, báo cáo, email, tin nhắn, trạng thái – thì nguyên lý này vẫn áp dụng được.
Dưới đây là cách viết tốt hơn.
Một Nguyên Lý Viết Thống Trị Tất Cả
Bí mật của viết tốt là lột từng chữ ra những thành phần gọn gàng nhất. Từ nào không phục vụ chức năng gì, từ dài nào có thể là từ ngắn, trạng từ nào mang cùng nghĩa đã có sẵn trong động từ, cấu trúc thụ động nào khiến người đọc không rõ ai đang làm gì – đây đều là một ngàn lẻ một thứ giả mạo làm yếu đi sức mạnh của câu chữ.
— William Zinsser, On Writing Well
Viết đơn giản.
Đơn giản là kết quả của làm việc và tư duy nỗ lực; rối rắm phản ánh một bộ óc lộn xộn hoặc một người quá kiêu ngạo, quá đần, hoặc quá lười để sắp xếp suy nghĩ. Viết không phải là thứ ngôn ngữ đặc biệt của riêng giáo viên dạy Văn. Viết là suy nghĩ trên trang giấy. Ai nghĩ mạch lạc thì có thể viết rõ ràng về mọi chủ đề.
Đơn giản là loại bỏ từ thừa. Đừng viết, “Phim rất dở” trong khi bạn có thể viết “Phim dở”. Bạn tưởng các trạng từ như “rất” thêm sức nặng vào. Tưởng bở rồi.
Đơn giản là chọn từ chính xác. Đừng viết, “Anh ấy chạy rất nhanh” trong khi bạn có thể viết “Anh ấy phóng đi”. Dùng từ ngắn tốt hơn từ dài. Chọn động từ chính xác tốt hơn là dùng trạng từ bổ nghĩa. Chỉ dùng trạng từ khi nó thay đổi nghĩa của động từ. Tập thói quen dùng từ điển.
Đơn giản là dùng thể chủ động thay vì bị động. Người đọc hiểu “anh ấy học bài” nhanh hơn “bài được học bởi anh ấy”. Cả hai câu đều đồng nghĩa, nhưng người đọc dễ hình dung vật thể (anh ấy) trước hành động (học) hơn. Hãy để con người hành động, thay vì khái niệm. Não người sắp xếp thông tin như thế. Đừng viết, “như thế là cách não người sắp xếp thông tin”.
Đơn giản là viết những câu ngắn. Mỗi câu diễn tả một ý. Đừng dồn nhiều ý vào một câu. Dùng dấu chấm nhiều hơn dấu phẩy sẽ làm gọn ý. Đọc giả không dư sự chú ý (ít hơn 30 giây) như bạn nghĩ đâu.
Câu mở nên thu hút đọc giả. Đọc giả nên tò mò tại sao bài viết được viết ra và vì sao họ nên đọc. Câu kết nên mang toàn bộ câu chuyện đầy đủ kèm một nốt ngân vang. Dừng khi nào thấy đủ là đủ.
Đơn giản đến nhờ viết lại. Viết lại là tinh túy của viết tốt. Đây là lúc cuộc chơi thắng hay thua. Văn hào Earnest Hemmingway nói, “Bản nháp đầu tiên của cái gì cũng là rác rưởi”. Viết là công việc cần nỗ lực. Một câu rõ ràng không tự nhiên mà có. Rất ít câu nào ra cái là chuẩn ngay. Stephen King bảo, “Viết là phàm trần. Biên tập là thánh thần”. Hãy bình tĩnh và viết, viết lại, viết tiếp.
Cách Dọn Câu Chữ Cho Sạch Sẽ
Sau đây là một số ví dụ dọn rác thừa cho câu chữ. Lượm lặt từ Internet.
*Bình luận câu bạn muốn PTCN dọn rác ở bên dưới nhé.
Đơn giản hóa uyển ngữ (đặc biệt trong kinh doanh và chính trị).
- “Khu vực kinh tế xã hội suy yếu” → “Ổ chuột”
- “Nhân viên sắp xếp rác thải” → “Người dọn rác”
- “Chạm nhẹ vào má” → “Tát”
- “Va chạm mặt đất sớm hơn dự kiến” → “Đâm sầm”
Xẹp hơi cụm từ khoa trương
- “Được biết đến là” → “Gọi là”
- “Dựa theo thực tế là” → “Vì”
- “Hắn hoàn toàn thiếu khả năng để” → “Hắn không thể”
- “Cho đến thời điểm như là” → “Cho đến khi”
- “Vì mục đích” → “Vì”
- “Bạn có đang trải qua cảm giác đau đớn nào không?” → “Có đau không?”
Xén từ sáo vô nghĩa.
- “Tôi có thể thêm vào”
- “Cần chỉ ra rằng”
- “Thật thú vị để chỉ ra” (nếu điều gì đó gây thú vị, thì để người đọc tự cảm nhận)
- “Điều đó sẽ làm bạn thích thú”
- “Đáng ngạc nhiên” (nếu điều gì đó đáng ngạc nhiên, thì để người đọc tự cảm nhận )
- “Đương nhiên” (nếu điều gì đó quá rõ ràng, thì lược bỏ đi)
Lược bỏ từ hạn định.
- “Một chút”
- “Hơi bị”
- “Rất”
- “Quá”
- “Khá”
Vứt tính từ, trạng từ, giới từ thừa.
- “Một người bạn riêng tư” → “Một người bạn”
- “Tòa nhà trọc trời cao tầng” → “Tòa nhà trọc trời”
- “Cười hạnh phúc” → “Cười”
- “Ăn rất nhanh” → “Nuốt chửng”
Rút ngắn từ dài.
- “Trợ giúp” → “Giúp”
- “Vô số” → “Nhiều”
- “Thực thi” → “Làm”
- “Vào thời điểm hiện tại” → “Bây giờ”
- “Chẳng mấy chốc” → “Sớm”
Dùng chủ động thay vì bị động (cơm thêm: dùng bị động khi muốn che dấu vật thể)
- “Trận bóng được triệu người chờ đón.” → “Triệu người chờ đón trận bóng”
- “Tàu cá của chúng ta đã bị tấn công” → “Tàu Trung Quốc tấn công tàu chúng ta”
- “Đã có một sai lầm” → “Tổ chức đã làm sai”
Dùng danh từ con người để chỉ hành động, thay vì khái niệm.
- “Phản ứng đầu tiên thường là cười.” → “Người ta thường cười.”
- “Yêu là một điều đừng nên làm quá.” → “Người ta cứ nói đừng quá yêu.”
Viết Là Suy Nghĩ Kết Tinh Trên Giấy
Viết phi tiểu thuyết là phải rõ ràng và thuyết phục. Nguyên lý chính là giữ mọi thứ đơn giản. Một luận điểm tốt trong dăm câu sẽ mạnh hơn một luận điểm xuất sắc trong vài chục trang giấy. Điều này áp dụng cho nhiều đề tài viết – con người, du lịch, hồi ký, khoa học, kinh doanh, thể thao, nghệ thuật và hài hước.
Rồi đấy. Bạn đã nắm được liều lượng hiệu quả tối thiểu để viết tốt. Chỉ một nguyên tắc đơn giản.
Cảm ơn tiên sinh William Zinsser.”
Tác giả còn chia sẻ một bài về Typography (cách trình bày văn bản) cực kỳ hữu ich ở đây.
Typography Thực Tế: Cách Biến Đổi Mọi Văn Bản Đẹp Hiệu Quả
Cảm ơn Trần Hữu Đại Nhật
Về sách On Wrinting Well và một số tài liệu khác chuyên về writing tiếng Anh, các bạn xem thêm ở bài sau:
Chúc tiến bộ.