Quy trình luyện viết A-V-A

Bài viết này mình chia sẻ lại của tác giả Phạm Quang Hưng, anh là tác giả của quyển sách 5 bước để nói một ngoại ngữ và là founder của Gitizen English.

Phương pháp được chia sẻ giúp chúng ta cải thiện kỹ năng viết chuẩn và tự nhiên, logic và dễ ứng dụng. Dưới đây là toàn bộ nội dung:

 

“Quy trình luyện viết A-V-A

Mô tả

Công thức AVA này sẽ giúp bạn tích lũy kỹ năng viết một cách tự nhiên và loại bỏ phần lớn công đoạn học ngữ pháp khỏi kỹ năng viết, một điều gần như đi ngược lại với quan niệm học tiếng Anh truyền thốn (vốn cho rằng phải giỏi ngữ pháp thì mới có thể viết tiếng Anh tốt).

Các bước luyện tập đơn giản đến mức Hưng có thể mô tả nó ngay trong bài viết này, bạn sẵn sàng rồi chứ?

 

Chuẩn bị

Chọn một tài liệu bằng tiếng Anh (sách, báo, bài viết… đều gọi chung là tài liệu). Khi chọn bạn chú ý mấy vấn đề sau:

  • Về văn phong: có văn phong phù hợp với văn phong bạn đang cần luyện viết. Ví dụ nếu bạn đang cần viết kiểu bài luận thì hãy chọn tài liệu là các bài luận. Nếu định viết tiểu thuyết thì chọn tiểu thuyết. Định viết theo phong cách báo chí thì chọn các bài báo…
  • Về trình độ: không quá khó, đủ để bạn có thể đọc hiểu khi đã tra từ điển. Nếu hầu hết các câu bạn đều không tự dịch được (sau khi đã tra từ điển) thì có nghĩa là tài liệu đó quá khó với bạn, nên tìm tài liệu khác dễ hơn.
  • Nếu tài liệu có sẵn bản dịch (kiểu như sách song ngữ) thì càng tốt, bạn sẽ có thêm bản dịch tham khảo.

 

Quy trình luyện tập

Bước A-V: đây chính là viết tắt của Anh – Việt

Bạn đọc hiểu và viết ra lời dịch ý. Khi dịch thì chú ý là đừng câu nệ chuyện phải dịch sát nghĩa từng từ (word by word) mà bạn chỉ cần dịch ý của câu đó. Phương châm khi dịch là “Nếu tiếng Anh nói/viết thế này thì tiếng Việt nói/viết thế nào?”.

Nếu tài liệu của bạn đã có bản song ngữ thì bạn không cần phải viết ra lời dịch nữa. Đôi khi cách dịch của bản song ngữ hơi khác cách dịch của bạn, khi đó bạn có thể lấy bút chì ghi chú vào bản dịch của tác giả. Nếu không có bản song ngữ thì bạn tự viết ra lời dịch theo những gì bạn hiểu. Đôi khi có những chổ bạn hiểu nhưng cảm thấy khó diễn đạt bằng tiếng Việt, khi đó bạn cứ diễn giải ra cho rõ nghĩa mà không cần quá câu nệ về cách dùng từ ngữ.

 

Bước V-A: bạn đoán đúng rồi đấy, chính là Việt – Anh

Đây là lúc bạn chính thức luyện kỹ năng viết tiếng Anh. Sau khi dịch Anh – Việt khoảng từ nửa tràn đến một trang tài liệu, bạn bắt đầu nhìn vào bản dịch tiếng Việt (là bản bạn tự viết ra hoặc bản dịch sẵn có) và tiến hành dịch ngược lại ra tiếng Anh. Mỗi lần tập luyện bạn nên dịch Việt – Anh khoảng mười câu đến nửa trang tài liệu.

Khi viết nhứng lời dịch từ Việt sang Anh, bạn hãy chú ý những vấn đề mấu chốt sau:

  • Không nhìn lại lời Anh trong quá trình dịch (bạn sẽ nhìn lại bản tiếng Anh sau khi dịch xong cả đoạn hoặc cả trang chứ không phải trong lúc dịch). Đừng vội xem bản gốc tiếng Anh sau mỗi câu vừa dịch xong.
  • Bạn sẽ có xu hướng nhớ lại lời tiếng Anh trong bản gốc họ đã viết thế nào. Tuy nhiên, bạn không cần căng thẳng, nếu nhớ được thì tốt mà không nhớ được thì cũng tốt, bạn cứ việc viết theo vốn liếng tiếng Anh của mình.

 

Chú ý:

Sau khi viết xong cả đoạn (10 câu – nửa trang), bạn xem lại bản gốc tiếng Anh và so sánh với bản bạn tự dịch từ Việt sang Anh. Chắc chắn sẽ có rất nhiều chỗ khác nhau. Bạn cần chú ý điều dưới đây:

Mục tiêu của bạn KHÔNG phải là viết lại được hoàn toàn như bản gốc.

Mục tiêu của bạn LÀ có một vài chỗ viết giống bản gốc.

 

Sau khi đối chiếu với bản gốc tiếng Anh xong, bạn hãy cất 2 thứ đó đi (bản tiếng Anh gốc và bản tiếng Anh bạn đã dịch), lấy ra một tờ giấy mới, nhìn vào lời Việt và…dịch lại Việt – Anh một lần nữa.

Bạn làm bước V-A này 2 lần (hoặc 3 lần nếu muốn) rồi chuyển sang một đoạn mới.

Bạn hãy thử luyện tập với khoảng 10 trang tài liệu, sẽ thấy kỹ năng viết tiếng Anh của mình biến chuyển rõ rệt. Sau khoảng 50 trang bạn sẽ kinh ngạc với tốc độ viết và sự chính xác trong cách dùng câu từ tiếng Anh của mình.

 

Mỗi lần chia sẻ công thức này, Hưng lại nhớ đến hồi mới ra trường, đi làm cho một công ty xuất nhập khẩu. Mỗi lần viết email cho đối tác, chỉ một đoạn email khoảng 5-7 câu mà loay hoay viết cả buổi sáng không xong. Giá như hồi đó biết đến công thức này, chỉ tập khoảng 2-3 tuần là viết email cái rụp.

Công thức luyện viết này giúp bạn viết chuẩn ngữ pháp và cách dùng từ như người bản ngữ bởi bạn so sánh và đối chiếu với chính bản gốc do người bản ngữ viết.

Điều thú vị hơn là nó giúp bạn không cần phải học công thức nghĩ pháp, vốn rất mất thời gian, rối rắm và khó nhớ. Thay vào đó, mỗi khi có chỗ khó hiểu, bạn hãy gặp bạn bè hoặc giáo viên để nhờ họ giải nghĩa cho bạn, cách học như vậy thực dụng và dễ nhớ hơn nhiều.

 

Bí quyết của công thức này chính là ở chỗ áp dụng nguyên tắc “học 10 nhớ 1”. Nếu bạn cứ muốn mọi thứ phải hoàn hảo ngay từ đầu, cứ muốn bài viết phải giống hệt bản gốc tiếng Anh… thì bạn sẽ nhanh chóng thất vọng và sớm bỏ cuộc. Một lần nữa bạn cần quản trị kỳ vọng của mình một cách đúng đắn, hãy nhớ kỹ điều này:

Mục tiêu của bạn KHÔNG phải là vieeys lại được hoàn toàn như bản gốc.

Mục tiêu của bạn LÀ có một vài chỗ viết giống bản gốc.

Sau mỗi lần tập một đoạn viết ngắn bạn lại tích lũy được một vài cấu trúc hoặc cách dùng từ như người bản ngữ. Dần dần bạn sẽ viết thành thạo, nhanh chóng và chuẩn xác.

 

Chú ý bài tập này sẽ gây một tác dụng phụ…

…đó là kỹ năng viết tiếng Việt của bạn cũng sẽ tốt hơn!

Có thể bạn sẽ thích điều này, cũng có thể không, dù sao nó cũng chẳng hại gì.

Tuy nhiên mọi phương pháp dù hay đến đâu cũng vô ích nếu bạn không bắt tay vào hành động. Hãy tiến hành công thức A-V-A này với một trang tài liệu bất kỳ, hãy bắt đầu hành động ngay và bạn sẽ sớm giỏi tiếng Anh thôi.

Vì tiếng Anh của bạn.”

Cảm ơn anh Hưng.

Thành tựu không đến từ sự thờ ơ, mộng ảo và ý chí cùn mà đến từ bàn tay, khối óc luôn miệt mài tranh đấu với thời gian.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *