Nếu Bạn Sợ Nghe Tiếng Anh, Hãy Luyện Phát Âm

Chào các bạn.

Có bao giờ bạn cảm thấy phần nghe tiếng Anh trong các kỳ thi là nỗi ám ảnh: thiệt là nhức đầu, nói nhanh như gió, nghe như vịt nghe sấm, nghe được một số từ rồi hí hửng là mình nghe đúng nhưng thật ra sai vì mình chỉ nghe gần đúng âm chính (ví dụ: nghe được hat thay vì had) …

Có khi nào bạn nghe một bài hát tiếng Anh giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu, truyền cảm nhưng lại không hiểu nội dung bài hát đang nói về điều gì. Bạn đánh mất một nửa sự tuyệt vời của bài hát rồi.

 

Nguyên nhân của việc nghe không được là:
1) Bạn chưa phát âm được chuẩn

Điều này tiên quyết và cực kì quan trọng.

Giả sử bạn học từ apple có cách phát âm đúng là ‘áp pồl’  – /ˈæp.əl/

Mà bạn lại đọc là ‘ây bồl’ – /ˈeɪ.bəl/, cách phát âm của từ able.

Vì lý do đó, khi nghe người ta nói apple bạn không biết họ đang nói từ gì? Hoặc người ta đọc từ able, bạn lại nghĩ họ nói về trái táo. Bạn đã gán sai cái âm cho cái chữ, nên nghe âm này bạn nhầm chữ kia. Sai lầm trầm trọng.

 

2) Bạn chưa nắm được các luật trọng âm (stress), ngữ điệu (intonation), luyến lái (liaison)

Có khi nào bạn ngơ ngác chẳng biết người ta vừa nói điều gì sau đó lại ngỡ ngàng vì mình biết rõ nghĩa của câu vừa nghe khi đọc lời hội thoại. Vì các âm bị biến dạng do ba yếu tố nêu trên.

 

3) Bạn nghe chưa đủ nhiều

Não bộ của bạn sẽ hình thành được những liên kết nhận dạng ngôn ngữ khi bạn nghe đủ lượng cần thiết. Giả sử một người Việt nói với bạn một câu như sau, tốc độ nói khá nhanh : “Ăn cơm con voi ngoài sân hàng rong đúng vậy không?” Đây là một câu khá dài và hoàn toàn vô nghĩa, bạn có thể nghe và lặp lại giống vậy sau một lần nghe không? Tôi đoán chắc chắn được.

 

Bạn nghe tiếng Việt và sử dụng bao năm nay, não bộ của bạn đã quá quen thuộc và có thể nắm bắt các âm này một cách chính xác, có thể ghi nhớ tốt trong ngắn hạn. Bấy nhiêu quá đủ trong giao tiếp và vượt qua các kỳ thi tiếng Anh không quá nhọc nhằn.

 

Nếu bạn nghe tiếng Anh đúng phương pháp và đủ nhiều, bạn có thể nghe qua một lần, lặp lại chính xác mặc dù đôi khi bạn không hiểu nghĩa giống như câu tiếng Việt lúc nãy. Bạn có từng thấy một số đứa trẻ hát nhạc tiếng Anh và chúng chẳng biết tiếng Anh, chúng nghe đủ nhiều rồi đó.

 

Biết bệnh rồi trị bệnh

Trên đây tôi đã giới thiệu vài lý do chính. Tôi xin chia sẻ một số tài liệu khắc phục hai yếu tố đầu tiên. Bạn hãy học theo đúng trình tự phía dưới.

 

a) Học phát âm thật chuẩn bảng chữ cái và cách phát âm từng từ:

– Học cách đọc phiên âm quốc tể IPA, đây là nền tảng để bạn xây dựng kỹ năng phát âm của mình.
Link: http://lopngoaingu.com/english/english-phonetic-symbols/index.htm

– Phát âm bảng chữ cái: https://www.youtube.com/watch?v=J0nUaCyj1G8

– Học phát âm theo giáo trình Pronunciation Workshop của tiến sĩ Paul Gruber. Đây là giáo trình phát âm đầu tiên tôi học, gồm 15 bài video, mỗi bài khoảng 20 phút. Hãy chuẩn bị một chiếc gương nhỏ để quan sát khẩu hình miệng của bạn.

Điều quan trọng nhất ở đây là BẮT CHƯỚC.

Hãy bắt chước thật giống cách đặt lưỡi, mở môi, cách sử dụng các cơ mặt. Trong việc phát âm, hơi của bạn là nguyên liệu, cách sắp đặt các bộ phận cấu tạo âm là khuôn. Qua các khuôn này thì hơi của bạn sẽ tạo ra các âm chuẩn xác. Nếu kiên trì luyện tập bạn có thể phát âm rất chuẩn với giọng Mỹ hay giọng Anh các từ và câu không cần luyến lái quá nhiều.

 

Hãy luyện tập một video mỗi ngày rồi lặp lại một lần nữa, lặp lại một lần nữa, một lần nữa sau đó tập trung vào các âm bạn còn cảm thấy khó khăn đến lúc phát âm thật tự nhiên, không cần nhớ đến các quy tắc nữa. Hãy nhớ là bạn đang tập trung vào việc phát âm, không cần chú ý quá nhiều đến việc hiểu nghĩa của các từ ví dụ bạn nhé. Bạn sẽ ngạc nhiên với kết quả đạt được.

 

b) Để nghe được các câu dài, có nối vần, có luyến lái và có nhạc điệu…

Các bạn luyện tập theo chương trình Master Spoken English. Đây là chương trình dành cho cả người bản xứ muốn phát triển khả năng nói rõ ràng, chuẩn mực và truyền cảm. Bạn hãy BẮT CHƯỚC nữa nhé. Càng bắt chước giống, càng hiệu quả.

Tôi cố tình chọn lọc các chương trình học bằng video vì nó trực quan nhất, bạn có thể quan sát được khẩu hình của người hướng dẫn.

 

Ngoài ra còn một phương pháp nữa rất hay gọi là Shadowing. Bạn mở một video có phụ đề, đọc theo chính xác cách diễn đạt, âm điệu của người nói trong video. Dần dần bạn nói theo và không cần nhìn chữ nữa, cuối cùng bạn đọc đồng thời với giọng đọc trong video.

Link video mẫu

Sau khi học phát âm tốt rồi, bạn hãy nghe lại các video trên để kiểm tra khả năng nghe của mình nhé. Bạn đã luyện nghe khá nhiều trong suốt quá trình luyện tập của mình rồi đấy.

 

Hãy bắt đầu và kết thúc việc bạn đã bắt đầu.

Một yếu tố nữa cực kỳ quan trọng: Để một ly nước lớn bên cạnh khi bạn học phát âm nhé, tập chăm sẽ khát lắm đấy ^^

 

Bonus:  Chuẩn hóa phát âm trong 2 tháng (lộ trình để luyện tập phát âm chi tiết trong 2 tháng)

Chúc các bạn thành công.

 

Thành tựu không đến từ sự thờ ơ, mộng ảo và ý chí cùn mà đến từ bàn tay, khối óc luôn miệt mài tranh đấu với thời gian.

9 thoughts on “Nếu Bạn Sợ Nghe Tiếng Anh, Hãy Luyện Phát Âm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *